LITTLE SAIGON, California (NV) – Không khí chính trị Little Saigon, California, mùa bầu cử sơ bộ 2022 ngày càng “nóng,” khi có nhiều nữ dân cử gốc Việt “ra quân” ứng cử các chức vụ từ địa phương tới tiểu bang và tới… liên bang luôn, để cân bằng quyền lực và tạo thêm tiếng nói cho nữ giới.
Đang xem: Phụ nữ chơi golf
Chân dung năm nữ ứng cử viên gốc Việt vùng Little Saigon, hàng trên, từ trái, theo chiều kim đồng hồ: Dân Biểu Janet Nguyễn, Phó Thị Trưởng Diedre Thu-Hà Nguyễn, Nghị Viên Kim Bernice Nguyễn, bà Amy Phan West, và Nghị Viên Kimberly Hồ. (Hình: Các nhân vật cung cấp)
Chính trường ở vùng có nhiều người Việt nhất hải ngoại này từ lâu được xem là “sân chơi” của phái nam, nhưng vài năm trở lại đây, phái nữ có phần “nhỉnh” hơn khi nhiều nữ chính trị gia ồ ạt ứng cử cho các chức vụ chính quyền và ngày càng thành công.
Trong cuộc bầu cử sơ bộ tại California vào ngày 7 Tháng Sáu tới đây, Little Saigon có năm phụ nữ ứng cử, đó là bà Janet Nguyễn (Cộng Hòa), dân biểu California (Địa Hạt 72); bà Diedre Thu-Hà Nguyễn (Dân Chủ), phó thị trưởng Garden Grove (Địa Hạt 3); cô Kim Bernice Nguyễn (Dân Chủ), nghị viên Garden Grove (Địa Hạt 6); bà Kimberly Hồ (Cộng Hòa), nghị viên Westminster (Địa Hạt 3); và bà Amy Phan West (Cộng Hòa), cư dân Westminster.
Bà Janet Nguyễn ứng cử chức thượng nghị sĩ California, Địa Hạt 36; bà Diedre Thu-Hà Nguyễn ứng cử chức dân biểu California, Địa Hạt 70; cô Kim Bernice Nguyễn ứng cử chức giám sát viên Orange County, Địa Hạt 2; bà Kimberly Hồ ứng cử chức dân biểu California, Địa Hạt 70; và bà Amy Phan West ứng cử chức dân biểu liên bang, Địa Hạt 47.
Khi được hỏi lý do nữ chính trị gia ra ứng cử nhiều hơn trong năm nay, phải chăng phái nam làm không được việc nên phụ nữ quyết định thay đổi, Phó Thị Trưởng Diedre Thu-Hà Nguyễn không đồng ý.
Thay vào đó, bà cho rằng phái nữ không lép vế là vì thời thế.
“Có nhiều lý do khiến nữ giới tham gia dòng chính. Vài năm trở lại đây có nhiều chương trình giúp đỡ và tạo cơ hội cho nữ ứng cử viên ra tranh cử. Cấp địa phương cũng có nhiều chương trình huấn luyện cho phụ nữ ra ứng cử từ cấp thành phố cho đến cấp tiểu bang,” bà Diedre Thu-Hà Nguyễn cho biết.
Bà tiếp: “Cũng có nhiều gương thành công của phụ nữ trong chính quyền, thậm chí là được chọn vào chức vị cao trong Tối Cao Pháp Viện và Tòa Bạch Ốc. Theo tôi, đây là điều khích lệ cho phái nữ, ‘nếu cô ấy làm được, tôi cũng làm được!’”
Theo thống kê dân số Census 2020, nữ giới ở California là 50.3%, trong khi đó nam giới chỉ chiếm 49.7%.
Với tư cách là một phụ nữ, một người mẹ, bà Diedre Thu-Hà Nguyễn cho biết nếu đắc cử bà sẽ “nói ít làm nhiều,” tập trung vào cải thiện đời sống của nữ giới, nhất là những người mẹ đi làm và có con nhỏ.
“Những người mẹ đi làm luôn chịu thiệt thòi, đặc biệt trong đại dịch COVID-19 vừa rồi. Chúng tôi sẽ cung cấp nhiều tài trợ cho việc chăm sóc trẻ em hỗ trợ bậc cha mẹ khi họ đi làm. Thêm vào đó, điều trọng tâm là cung cấp các chương trình hỗ trợ tâm lý cho người lớn lẫn trẻ em thời kỳ dịch bệnh,” bà chia sẻ.
Trong sáu năm giữ chức nghị viên thành phố Garden Grove, vị phó thị trưởng cho biết bà hãnh diện khi thành phố và cộng đồng ngày càng phát triển và kết nối với nhau.
“Nhờ sự hỗ trợ của truyền thông, tôi rất vui khi nhiều chương trình song ngữ giúp đỡ cư dân của thành phố đều được phổ biến rộng rãi,” bà chia sẻ. “Garden Grove cũng có nhân viên giao tế cộng đồng, đặc trách cộng đồng Việt Nam để giúp đỡ mọi người mọi lúc, mọi nơi.”
Ngoài ra, bà cũng đề cập điều mà Garden Grove cần cải thiện là có thêm nhiều nhân viên công lực gốc Việt để hỗ trợ cộng đồng Việt Nam tốt hơn.
Cuộc tranh cử vào chức dân biểu California, Địa Hạt 70, còn có Nghị Viên Kimberly Hồ của Westminster, và đây được coi là “cuộc chiến không khoan nhượng” khi có đến bốn dân cử gốc Việt tranh cử cùng nhau. Hai người kia là Thị Trưởng Trí Tạ của Westminster và Nghị Viên Ted Bùi của Fountain Valley.
Có nhiều ý kiến trái chiều về chuyện nhiều người Việt ứng cử cho Địa Hạt 70, trong đó có ba người thuộc đảng Cộng Hòa, và một thuộc Dân Chủ, vì như vậy sẽ dẫn đến tình trạng chia rẽ cộng đồng.
Tuy nhiên, nếu nhìn theo hướng tích cực hơn thì đây là sự trưởng thành của cộng đồng Việt Nam vì lần đầu tiên khu vực Little Saigon “lọt” vào một địa hạt.
Điều này gián tiếp chứng tỏ sự thừa nhận của dòng chính đối với lá phiếu của cử tri gốc Việt để bầu cho người Việt. Cho nên, nhiều dân cử gốc Việt cạnh tranh, đặc biệt là có hai nữ dân cử đại diện phái nữ, là điều hiển nhiên.
“Tôi mừng khi thấy nhiều phụ nữ ra ứng cử năm nay dù chính trường thường được xem là ‘chỗ’ của phái nam,” Nghị Viên Kimberly Hồ chia sẻ. “Tôi khuyến khích nhiều nữ giới theo đuổi mơ ước ra dòng chính, đặc biệt là người có khả năng, và có tâm phục vụ cộng đồng, chứ không phải ra vì quyền lợi và chức vụ.”
“Phụ nữ có nhiều gánh nặng phải lo, nhưng họ có cách giải quyết các vấn đề, thậm chí là vấn đề cam go nhất, bằng một cách mềm mỏng, khác với cách ‘đánh đấm’ của cánh đàn ông. Phụ nữ có cách làm việc cân bằng giữa hai giới,” bà nhận xét.
Nữ nghị viên cũng khẳng định bà tranh cử lần này là dùng kinh nghiệm của mình góp phần thay đổi, vì “có nhiều chính trị gia ‘suốt đời’ làm hài lòng các nhóm quyền lợi đặc biệt, thay vì làm lợi cho người dân.”
“Chúng ta cần một người Việt Nam có khả năng làm việc, có kinh nghiệm, và bầu cho người đó,” Nghị Viên Kimberly Hồ nhấn mạnh.
“Có nhiều người chỉ chơi ‘trò chơi chính trị’ để họ có lá phiếu bầu để được đắc cử chứ ít người nào thật sự nghĩ đến dân,” vị nghị viên bày tỏ.
Bà tiếp: “Học vấn, kinh nghiệm, và cái tâm là ba điều quan trọng để một người có thể giúp ích cho cộng đồng. Tôi tự tin vào khả năng của mình để luôn nghe lời góp ý của mọi người và học hỏi để làm tốt chức vụ. Điều cốt lõi là nghe nhiều hơn nói.”
Khác với đồng viện của mình ở Garden Grove, Nghị Viên Kim Bernice Nguyễn nhận thấy nam giới “làm chủ” chính trường trong nhiều năm khiến phụ nữ thiếu tự tin.
“Khuyến khích và thuyết phục nữ giới tranh cử các chức vụ chính quyền cũng rất khó, nhưng với nam giới thì khác. Họ sẵn sàng ứng cử bất kể kinh nghiệm. Nữ giới thì hơi ngại hơn vì còn có gia đình, và con cái để cân nhắc,” cô Kim Bernice Nguyễn cho hay.
Cô nhận xét rằng, năm 2016 có nhiều nữ chính trị gia gốc Việt bắt đầu tranh cử, dấn thân hơn và đạt nhiều thành công nhất định. Và điều đó cũng tạo ra “làn sóng” mới, để nữ giới bước vào chính trường.
“Đúng là kể từ phong trào ‘Me Too’ nở rộ nam chính trị gia bị phanh phui nhiều ‘scandal,’ kể cả không làm tốt nhiệm vụ dân cử của họ, nhưng tôi không có ý ‘vơ đũa cả nắm’ vì nữ chính trị gia cũng có ‘scandal.’ Việc bê bối của nhiều nam chính trị gia tạo cơ hội cho nữ giới tìm cách thay đổi để có những chính sách tốt hơn cho người dân và lãnh đạo hiệu quả hơn,” nữ nghị viên của Garden Grove nhấn mạnh.
Xem thêm: Top 101+Hình Ảnh Đôi Mắt Buồn Ý Tưởng, Hình Ảnh Đôi Mắt Buồn Đẹp
Cô Kim Bernice Nguyễn nói về địa hạt mới của vị trí giám sát viên bao gồm cư dân gốc Việt và gốc Hispanic, những sắc dân không được để ý nhiều trong vấn đề tạo chính sách có lợi cho đời sống của họ.
“Chúng ta không có nhiều nữ giám sát viên từ 30 đến 40 tuổi đại diện cho các sắc dân này, nên không thể có tiếng nói bảo vệ quyền lợi cho cử tri. Thật khó để tầng lớp thượng lưu thấu hiểu tầng lớp lao động. Cho nên, chúng ta cần thay đổi, cần người thấu hiểu sự bất công và thật sự làm việc vì lợi ích người dân,” cô cho hay.
Bà Amy Phan West cũng có những suy nghĩ giống Nghị Viên Kimberly Hồ.
Bà chia sẻ: “Phụ nữ chúng tôi có thể làm nhiều việc cùng một lúc, và chúng tôi không ngại thử thách. Năm 2020, có nhiều phụ nữ ứng cử và thành công. Thêm nữa là ở California, nữ ứng cử viên thuộc sắc dân thiểu số càng dễ được ủng hộ nên ngày có nhiều phụ nữ ra tranh cử hơn.”
Khi được hỏi liệu có phải những bê bối chính trị của nam giới khiến nữ giới quyết định tranh cử, nữ ứng cử viên cho hay: “Cộng đồng tìm kiếm sự thay đổi. Những gia đình lao động, nữ giới, những người mẹ, và giới trẻ cần người đại diện cho họ để bảo vệ quyền lợi và các doanh nghiệp nhỏ của họ.”
“Tôi muốn làm hình mẫu đại diện cho phụ nữ rằng tôi đang theo đuổi ‘giấc mơ Mỹ’ và làm việc vì người dân để cùng cộng đồng tiến về phía trước. Chúng ta cần một người có thể nghe được tiếng nói của người dân chứ không phải các chính trị gia tại vị lâu năm nhưng không quan tâm điều người dân cần và muốn,” bà Amy nói thêm.
Bà Amy cho biết thêm, trong nhiều năm sinh hoạt và quản trị kinh doanh trong cộng đồng, bà bất bình với việc nhiều chính trị gia vì quyền lực mà bỏ bê người dân, thậm chí còn tham nhũng.
“Tôi luôn sống với tin thần bảo vệ quyền lợi người yếu thế, những người ít có tiếng nói trong xã hội. Tôi muốn người dân có quyền tự do được lựa chọn điều họ muốn chứ không phải bị chính quyền chi phối. Nếu đắc cử, tôi sẽ tranh đấu chống lại kỳ thị chủng tộc, và quyền tự do chích vaccine của người dân. Tôi hứa sẽ cho cử tri biết những chính sách mà tôi sắp bỏ phiếu để lắng nghe nhận xét của cư dân trước khi thực hiện, vì tôi muốn mọi thứ phải minh bạch,” bà nhấn mạnh.
Nhật báo Người Việt có liên lạc với Dân Biểu Janet Nguyễn để hỏi về đề tài này, nhưng bà từ chối trả lời.
(Hình minh họa: Người Việt)
“Hiện tượng” phụ nữ gốc Việt ứng cử thành công
Phụ nữ gốc Việt tại Hoa Kỳ ra tranh cử nhiều bắt đầu từ Tháng Mười Một, 2016, và đây cũng là cuộc bầu cử thành công nhất của họ.
Nếu như năm 2014 có 33 người Việt ra ứng cử thì năm 2016 có 32 người.
Tuy nhiên, trong số 33 người ra ứng cử năm 2014, chỉ có sáu người là phụ nữ.
Còn trong số 32 người ứng cử năm 2016, có tới 13 người là phụ nữ, một mức tăng hơn gấp đôi.
Trong số 17 người thắng cử năm 2014, chỉ có bốn phụ nữ.
Tính riêng ở California, năm 2016 có bảy phụ nữ đắc cử.
Năm 2018, có 8 ứng cử viên gốc Việt tại Orange County, trong đó có hai nữ, và năm nam.
Năm 2020, có 28 ứng cử viên gốc Việt ứng cử 32 chức vụ ở Orange County, trong đó có 14 nữ và 14 nam (một rút lui).
Kết quả năm đó có bảy nữ và hai nam đắc cử!
Năm nay, tính đến ngày Thứ Bảy, 19 Tháng Ba, một ngày sau khi hết hạn ghi danh ứng cử của các ứng cử viên ở Orange County, trong số 11 người gốc Việt vùng Little Saigon ứng cử có năm phụ nữ, như đề cập ở trên.
Tính đến năm 2022, cộng đồng Việt Nam khắp Hoa Kỳ chỉ có một dân biểu liên bang, đó là bà Stephanie Murphy (Đặng Thị Ngọc Dung), đại điện Địa Hạt 7 ở Florida.
Ngoài ra, khắp nước Mỹ có tám dân cử gốc Việt cấp tiểu bang, một thượng nghị sĩ và bảy dân biểu.
Trong số bảy dân biểu này có tới sáu phụ nữ: Janet Nguyễn (Địa Hạt 72, California), Bee Nguyễn (Địa Hạt 89, Georgia), Trâm Nguyễn (Địa Hạt 18, Massachusetts), Rochelle Nguyễn (Địa Hạt 10, Nevada), Kathy Trần (Địa Hạt 42, Virginia), và Thái Mỹ Linh (Địa Hạt 41, Washington).
Trong số 21 dân cử gốc Việt các cấp vùng Little Saigon, có chín phụ nữ.
Trở lại với bầu cử sơ bộ California vào ngày Thứ Ba, 7 Tháng Sáu, cho cả cấp liên bang và tiểu bang, theo luật hiện hành, cho dù kết quả ra sao, ứng cử viên đó thuộc đảng nào, hai người nhiều phiếu nhất sẽ tranh cử vòng nhì vào ngày Thứ Ba, 8 Tháng Mười Một, ai nhiều phiếu hơn người còn lại thì chiến thắng.
Trong khi đó, trong cuộc bầu cử quận hạt, nếu ứng cử nào thắng hơn 50% số phiếu, người đó sẽ thắng, không cần phải ứng cử vào Tháng Mười Một nữa.
Tuy nhiên, nếu không ai thắng hơn 50% số phiếu, hai người nhiều phiếu nhất, bất luận thuộc đảng nào sẽ tranh cử chung cuộc vào Tháng Mười Một. <đ.d.>